ĐT: (0290) 383 1066 - 383 3905
Thứ bảy, 2-12-23 02:30:42

Cơ hội học tập và làm việc tại tỉnh nhà

Báo Cà Mau (CMO) Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau là một trong những trường cao đẳng được đầu tư trọng điểm của tỉnh, giúp tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo nguồn lao động đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là những nghề đòi hỏi kỹ thuật cao, hiện đại. Về tương lai, Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau được kỳ vọng trở thành một trong những trường cao đẳng nghề uy tín, trọng điểm trong khu vực, không chỉ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh nhà mà còn thu hút được học sinh, sinh viên các tỉnh bạn.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau, thông tin: Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau thành lập năm 2015. Sau 8 năm hoạt động, trường đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Uy tín, hình ảnh nhà trường được nâng lên, tỷ lệ người dân biết đến và đăng ký tham gia học mỗi năm mỗi tăng. Ba năm liền trường đạt và vượt chỉ tiêu được giao.

Tỷ lệ đăng ký học đông nên nhà trường phải thực hiện xét tuyển trên cơ sở kết quả học tập và rèn luyện của học sinh ở trường phổ thông. Có những ngành điểm thấp nhất xét vào học phải đạt 7.4 (Công nghệ ô tô). Do chất lượng đầu vào tốt nên chất lượng đào tạo cũng được tăng lên.

Học viên thực hành ngay trên những thiết bị hiện đại được đầu tư tại trường, giúp nâng cao chất lượng tay nghề khi ra trường. Ảnh: ÐẶNG DUẨN

Trường thực hiện cam kết giới thiệu việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Hàng năm, trường kết hợp tổ chức phát bằng tốt nghiệp, đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức gian hàng giới thiệu việc làm cho học sinh, sinh viên, thông tin phụ huynh nắm và dự (nếu có nhu cầu). Tỷ lệ người học có việc làm sau 1 năm tốt nghiệp đạt trên 90%.

Quy mô người học tăng gấp nhiều lần sau 8 năm hoạt động. Năm 2015 chỉ có hơn 100 học sinh, sinh viên, hiện nay đạt khoảng 6 ngàn (chính quy gần 1.500 học sinh, sinh viên; loại hình khác dao động 4-5 ngàn học viên).

Ðội ngũ giảng viên tăng về số lượng cũng như chất lượng. Hiện trường có 82 người làm việc, trong đó giảng viên cơ hữu có 55 người; có 2 tiến sĩ, 26 thạc sĩ.

- Các hình thức đào tạo và các nghề được xem là thế mạnh được đào tạo tại trường hiện nay và trong định hướng sắp tới là gì, thưa bà?

TS Nguyễn Hồng Nhung: Hình thức đào tạo gồm chính quy (trung cấp, cao đẳng), liên thông (liên kết các trường đại học tổ chức đào tạo liên thông đại học loại hình vừa làm vừa học) và thường xuyên (sơ cấp, đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng).

Trường đào tạo chủ yếu về lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp (Chế biến thuỷ sản, Công nghệ ô tô, Ðiện lạnh, Cơ điện tử, Ðiện công nghiệp, Công nghệ thông tin, Nuôi trồng thuỷ sản...), phù hợp với nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, cũng như nhu cầu về thợ thực hiện các dịch vụ phục vụ đời sống Nhân dân nên có nhiều thuận lợi về đầu ra cho người học. Vì vậy, nghề nào cũng xem như thế mạnh của trường, tuy nhiên mỗi nghề có độ “hot” khác nhau, thời gian gần đây các nghề được xem như “hot” là Công nghệ ô tô, Ðiện lạnh, Cơ điện tử.

Nhà trường sẽ phát triển đào tạo các nghề được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đầu tư cấp độ quốc tế (Chế biến thuỷ sản, Công nghệ ô tô, Ðiện lạnh, Cơ điện tử, Công nghệ thông tin) và quốc gia (Ðiện công nghiệp, Nuôi trồng thuỷ sản). Sẽ tập trung phát triển nghề mũi nhọn, đạt chuẩn quốc tế, gắn với kinh tế chủ đạo của địa phương, đó là chế biến và bảo quản thuỷ sản, năng lượng tái tạo.

Về quy mô như hiện nay là tương đối phù hợp, nên không chủ trương tăng quy mô thời gian tới, mà chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào và đầu ra của người học; đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

- Học sinh tốt nghiệp THCS, THPT muốn chọn học tại trường thì cơ hội học lên cao hơn sẽ như thế nào, thưa bà?

TS Nguyễn Hồng Nhung: Khi cho con em đăng ký học tập tại trường, phụ huynh sẽ được thông tin đầy đủ về các chính sách, chương trình học tập, kết quả học tập của con em một cách thường xuyên. Nhà trường thực hiện số hoá tất cả các hoạt động nên phụ huynh được kết nối, hỗ trợ khi liên hệ với nhà trường nhanh chóng và thuận lợi nhất.

Về học phí, căn cứ Thông tư 05/2023 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trường có 4 nghề thuộc danh sách nghề nặng nhọc (Công nghệ ô tô, Ðiện lạnh, Ðiện Công nghiệp, Chế biến thuỷ sản), người học sẽ được miễn học phí 70%. Ðối với học sinh trung cấp (tốt nghiệp THCS có thể đăng ký dự học) được miễn học phí học nghề, được học văn hoá THPT hệ giáo dục thường xuyên để có thể tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, nhận bằng tốt nghiệp THPT như học sinh ở các trường THPT khác. Hiện trường đang liên kết với Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh thực hiện nội dung này. Ðây là thuận lợi rất lớn cho người học, khi kinh tế của địa phương, của Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài được hỗ trợ về tài chính như nêu trên, thuận lợi lớn nữa là tiết kiệm thời gian, người học mau chóng gia nhập thị trường lao động, cơ hội việc làm thuận lợi. Học xong THCS, nếu tham gia học trung cấp tại trường, mất 3 năm các em nhận bằng trung cấp và THPT, sau đó học 2 năm có thể tốt nghiệp đại học. Khi học đại học các em vừa làm, vừa học nên đỡ gánh nặng tài chính cho phụ huynh rất nhiều và tổng thời gian mất có 5 năm. Trong khi, nếu học THPT theo truyền thống thì sau 3 năm mới chỉ có bằng THPT, còn học xong đại học mất ít nhất 4 năm nữa, tổng thời gian 7 năm.

Về cơ hội học tập lên bậc học cao hơn, trường liên kết với các trường đại học uy tín tổ chức đào tạo liên thông đại học, nên kết thúc chương trình, người học có thể đăng ký học lên đại học nếu không muốn bị gián đoạn thời gian học tập, hoặc có thể đăng ký học đại học bất kỳ thời gian nào của năm nếu có nhu cầu và sắp xếp được thời gian học tập (học chủ yếu thứ Bảy, Chủ nhật).

- Xin cảm ơn bà!

 

Ðặng Duẩn thực hiện

 

Phối hợp đưa người lao động Cà Mau đi làm việc nước ngoài

(CMO) Từ đầu năm đến nay, Cà Mau đã đưa trên 200 lao động đi làm việc ngoài nước, trong đó tập trung ở các thị trường như: Nhật Bản 151 người, Đài Loan (Trung Quốc) 57 người, Hàn Quốc 24 người, Mỹ 3 người, Malysia 1 người. Có 30 Công ty được chấp thuận tuyển dụng người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn tỉnh.

Tạo việc làm cho phụ nữ nông thôn

(CMO) Khởi nghiệp từ niềm đam mê, chị Nguyễn Thị Nhạn (Ấp 4, xã An Xuyên, TP Cà Mau) gắn bó với nghề may gia công đã hơn 4 năm, cũng từ đó tổ may của chị thu hút đông đảo hội viên tham gia, giải quyết việc việc làm cho nhiều lao động nữ ở địa phương với mức thu nhập ổn định hàng tháng.

Thông báo tuyển chọn hòa giải viên lao động trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Sử dụng lao động đúng độ tuổi quy định

(CMO) Tại Cà Mau, thời gian qua, việc dừng hẳn lao động trẻ em tại các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) luôn được quan tâm đúng mức; ý thức của DN không ngừng được nâng lên, sử dụng lao động đúng với độ tuổi quy định.

Chú trọng an toàn cho người lao động

(CMO) Tai nạn lao động (TNLĐ) là nỗi ám ảnh đối với người lao động (NLĐ) và cả với những đơn vị sử dụng lao động. Nhiều vụ TNLĐ không chỉ cướp đi sinh mạng của con người, mà còn để lại những hệ luỵ đau thương cho gia đình và xã hội.

Tăng hiệu quả kết nối đào tạo với tuyển dụng

(CMO) Thời gian qua, ngoài tuyển sinh theo chỉ tiêu của UBND tỉnh giao, Trường Cao đẳng Cộng đồng Cà Mau còn thực hiện liên kết đào tạo theo yêu cầu của các huyện để giải quyết vị trí việc làm hiện tại và trong tương lai.

Nhiều bất cập trong đào tạo nghề

(CMO) Mang sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực trực tiếp phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn tỉnh Cà Mau từng bước đổi mới, đạt kết quả khả quan. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại Trường Cao đẳng Nghề Việt Nam - Hàn Quốc Cà Mau cho thấy, công tác đào tạo nghề còn nhiều bất cập.

Trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao

(CMO) Ðối với nhân lực ngành y tế, đi đôi với trình độ chuyên môn được đào tạo thì kinh nghiệm trong thực tiễn công tác khám và điều trị có ý nghĩa quan trọng và không dễ tìm kiếm. Vì thế, để sử dụng có hiệu quả nguồn lực này, thời gian qua, các cơ sở y tế công lập huyện Cái Nước đã mời gọi và nhiều bác sĩ nghỉ hưu tự nguyện tiếp tục cống hiến cho đơn vị mặc dù được một số cơ sở y tế tư nhân ngỏ lời trả lương cao hơn gấp nhiều lần.

Mở hướng tương lai từ xuất khẩu lao động

(CMO) Năm 2023, tỉnh Cà Mau phấn đấu đưa 400 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Ðể đạt mục tiêu này, ngay từ đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Cà Mau (Trung tâm) nhanh chóng triển khai nhiều kế hoạch hoạt động trong tìm kiếm nguồn lao động có nhu cầu. Mục đích nhằm tạo sự nhất quán trong các bước thực hiện, đặc biệt là tạo niềm tin cho người lao động (NLÐ) khi tham gia Ðề án đưa NLÐ tỉnh Cà Mau đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, giai đoạn 2022-2025 (gọi tắt là Ðề án).

Từng bước giải bài toán việc làm

(CMO) Công tác giải quyết việc làm và đẩy mạnh xuất khẩu lao động theo đề án đặt ra đã được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH) phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh từng bước tiến hành khá bài bản.